- tháng mười 8 2024
- Nhung Nguyen
Nữ sinh trong và ngoài nước hào hứng tranh tài tại cuộc thi STEAM Xanh
(Tuổi Trẻ) Với nhiều dự án hướng đến phát triển bền vững, các nữ sinh cả trong và ngoài nước đã tự tin chinh phục cuộc thi STEAM Xanh và mang về nhiều giải thưởng.
Ngày 3-10, chung kết cuộc thi STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024 diễn ra tại Trường Victoria School - Nam Sài Gòn.
Sự kiện được tổ chức bởi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Hệ thống giáo dục Victoria School, nhằm khuyến khích các em nữ sinh từ 13 - 15 tuổi tham gia vào các lĩnh vực STEAM.
Nữ sinh tham gia tranh tài
Tại vòng chung kết, 23 đội thi (mỗi đội 3 thành viên đến từ các tỉnh, thành và quốc gia khác nhau) đã tham gia tranh tài với chủ đề về năng lượng tái tạo, kỹ năng STEAM Xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là nhóm đoạt giải nhất cuộc thi với dự án tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa tại địa phương, bạn Nguyễn Hà Linh (Trường tiểu học - THCS - THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục, Hà Nội) cho biết rất vui và tự hào với những gì nhóm đã làm.
"Em học được nhiều kỹ năng về thuyết trình, hoạt động nhóm và thêm kiến thức mới về bảo vệ môi trường và STEAM. Với em cuộc thi này có ý nghĩa rất lớn, là trải nghiệm đẹp. Đây sẽ là nền tảng để em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu khoa học trong tương lai" - Hà Linh chia sẻ.
Bạn Lyndyleigh Pritchard William (học sinh Thái Lan) cho biết nhóm đưa ra dự án năng lượng tái tạo xanh trong trường học.
"Dự án của nhóm về năng lượng tái tạo xanh trong trường học, có cánh đồng gió, sân chơi xanh… phục vụ cho trường học thực tiễn và thân thiện với môi trường. Tham dự cuộc thi em được biết thêm về giáo dục STEAM và giao lưu với những bạn Việt Nam. Ngoài ra, em cũng cảm thấy thú vị khi có cơ hội tìm hiểu văn hóa tại TP.HCM.
Tiếp xúc với các bạn Việt Nam và nhận thấy các bạn vừa học, vừa chơi rất là tốt. Các bạn học sinh và thầy cô đã hỗ trợ em rất nhiều, hỗ trợ em thuyết trình, khuyến khích và ủng hộ tinh thần cho em rất nhiều" - bạn William nói.
Nữ sinh William chia sẻ: "Đây là lần đầu em tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới. Trong cuộc thi em rất hồi hộp, nhưng qua cuộc thi giúp em tự tin thuyết trình tốt hơn. Chắc chắn trong tương lai em sẽ tham gia những cuộc thi tương tự".
Sân chơi bổ ích cho nữ giới
GS.TS Lê Anh Vinh - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết các thí sinh đã có những ngày học tập và trải nghiệm thực tế khi tham quan tại Học viện Hàng không Vietjet, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub và Triển lãm Đa giác quan Van Gogh và Monet.
"Các bạn đã vận dụng kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sinh học… để hoàn thiện dự án. Những chủ đề dự án được các nhóm xoay quanh các vấn đề: xây dựng trường học, nhà ở xanh, thông minh; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong nông nghiệp, thủy điện; sáng kiến giải pháp rác thải điện tử…
Nhóm nữ sinh đã hoàn thành sản phẩm nghiên cứu ấn tượng, đặc sắc chứa đựng nhiều nội dung khoa học lý thú và bổ ích. Các bài trình bày rất tuyệt vời từ ý tưởng về khoa học và truyền thông nâng cao nhận thức. Tôi ấn tượng thông điệp thể hiện trách nhiệm với xã hội của các bạn" - ông Vinh nói.
Em Lê Nguyễn Thảo Vy (Trường THCS Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết qua những ngày trải nghiệm em biết thêm được nhiều ngành nghề mới.
"Em rất háo hức khi được trải nghiệm những điều mới và học thêm từ bạn bè xung quanh, đặc biệt là có những bạn quốc tế.
Em nghĩ nữ sinh có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu sáng tạo khoa học, nữ sinh có tố chất mà nam sinh không có từ đó có thể đóng góp được nhiều cái mới. Sau khi tham dự cuộc thi về trường em sẽ kể cho bạn bè nghe những cái đã được học" - Vy nói.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang - giáo viên Trường THCS Phước Hưng, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: "Cuộc thi là sân chơi rất tốt cho học sinh, các em được trải nghiệm và học thêm nhiều kiến thức mới, giúp ích cho bản thân rất nhiều.
Mong rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều sân chơi như vậy, để thúc đẩy bình đẳng giới và tạo động lực cho các bạn nữ tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn".