* NỘP ĐƠN * CÂU HỎI * CHUYẾN THĂM
  • tháng mười 2 2024
  • Nhung Nguyen

Giáo dục STEAM - Hướng đi mới cho thế hệ nữ giới trẻ

(Dân Trí) Thế giới đang chuyển biến nhanh chóng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ ở tất cả lĩnh vực đời sống. Vì vậy, thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, cần trang bị kỹ năng thích ứng với những thay đổi của thời đại. Giáo dục STEAM là chìa khóa.

 

Giáo dục STEAM - Chìa khóa thành công của nữ sinh trong thời đại số hóa

STEAM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (toán học). Hiện nay, giáo dục STEAM là khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Khi công nghệ và kỹ thuật đang dần chiếm ưu thế trong đa số lĩnh vực, những kỹ năng tích lũy được từ STEAM là hành trang giúp thế hệ nữ giới trẻ vững vàng hơn trong thời đại số.

 

Việc ứng dụng STEAM trong nghiên cứu khoa học không còn là câu chuyện của nam giới
Thế hệ nữ giới trẻ cần được trang bị những kiến thức về STEAM từ nhỏ để không tụt hậu so với sự phát triển của thời đại.
 

Thị trường lao động sẽ thay đổi. Một số nghề nghiệp bị thay thế bởi máy móc và các nghề nghiệp mới ra đời. Vì vậy, thế hệ nữ giới trẻ cần được trang bị kiến thức về STEAM từ nhỏ để không tụt hậu so với sự phát triển của thời đại, đảm bảo khả năng cạnh tranh bình đẳng với nam giới và nắm bắt cơ hội việc làm trong tương lai. 

Trong thực tế, phụ nữ chứng minh năng lực của mình không thua kém nam giới trong các lĩnh vực liên quan đến STEAM. Từ Sally Ride tới Marie Curie, Ada Lovelace hay Katherine Johnson, có nhiều nhà khoa học nữ thành công trong lịch sử và ngày nay cũng không thiếu những tấm gương phụ nữ trong STEAM hiện đại. Đó là hình mẫu, động lực để thế hệ nữ giới trẻ tự tin theo đuổi STEAM.

Tiềm năng của STEAM là vậy, tuy nhiên, theo dữ liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), có ít hơn 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và chỉ có 30% sinh viên nữ lựa chọn ngành học liên quan đến lĩnh vực STEAM ở bậc giáo dục đại học. Tỷ lệ nhập học của phái nữ trên toàn thế giới đặc biệt thấp trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (3%), khoa học tự nhiên, toán học và thống kê (5%), kỹ thuật, sản xuất và xây dựng (8%).

Lý do được đưa ra là vì nữ giới trong thế hệ ba mẹ trước đó bị gắn với định kiến STEAM là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới. Những công việc trong lĩnh vực STEAM có phần khô khan, cứng nhắc, khó nhằn, không phù hợp với đặc tính uyển chuyển, dịu dàng của người con gái.

Do đó, cả một thế hệ nữ giới trong nhiều thập niên trước chưa nhận thấy khả năng của mình trong lĩnh vực STEAM. Từ đó vô tình khiến các bé gái ngày nay chưa được ba mẹ, nhà trường hướng nghiệp, giáo dục để hiểu rõ về giá trị của STEAM và tiềm năng chiếm lĩnh của lĩnh vực này với đời sống tương lai.

Vì vậy, thay đổi quan điểm trên là điều quan trọng. Cha mẹ và thầy cô là những người có thể làm thay đổi định kiến STEAM không phù hợp với nữ giới. Các bé gái cần được người lớn hỗ trợ xây dựng tư duy mở, với niềm tin vào bản thân, các em có thể theo đuổi và thành công với các ngành nghề thuộc STEAM.

Nhà trường cần xây dựng chương trình hướng nghiệp ngành STEAM để nữ sinh hình dung rõ hơn và đưa ra các lựa chọn phù hợp. Các cuộc thi, ngày hội, câu lạc bộ STEAM hay thư viện, trang mạng xã hội cung cấp kiến thức, kết nối với những người làm việc trong lĩnh vực này sẽ là cầu nối đưa nữ sinh đến gần hơn với STEAM.

STEAM For Girls - Sân chơi giúp khai phá tiềm năng sáng tạo cho nữ sinh

 

dsc5965-172752223863150505433

Các cuộc thi, sân chơi về STEAM sẽ là cầu nối đưa nữ sinh đến gần hơn với lĩnh vực này.
 

Sự xuất hiện của AI và sự phụ thuộc ngày càng nhiều của con người vào công nghệ cho thấy tương lai sẽ đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực STEAM để thế hệ trẻ nữ giới tiếp theo thành công và phát triển bình đẳng với nam giới. Đó là lý do cuộc thi Steam For Girls - Steam xanh cho nữ sinh 2024 ra đời.

Cuộc thi do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ GDĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức. Mục tiêu là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục STEAM cho nữ giới, giúp các nữ sinh tự tin khám phá lĩnh vực khoa học công nghệ, vốn là những ngành thường do nam giới chiếm ưu thế. Qua đó, khuyến khích các em theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực này.

Sự kiện còn thể hiện cam kết mạnh mẽ từ UNICEF và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho nữ sinh tiếp cận các cơ hội học tập và nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEAM. Cuộc thi không chỉ là một sân chơi mà còn là cầu nối cho các nữ sinh khám phá khả năng sáng tạo và trí tuệ của mình, vượt qua rào cản về giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục STEAM.

Bên cạnh đó, STEAM xanh - Kết nối STEAM với các vấn đề toàn cầu sẽ là thông điệp được ban tổ chức gửi đến các thí sinh tham gia. Cuộc thi giúp các em nữ sinh tiếp cận và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, với sự hướng dẫn từ các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, UNICEF, và Victoria School. Đây là cơ hội để học sinh nữ không chỉ học hỏi kiến thức mà còn phát triển tư duy sáng tạo để đối mặt với các thách thức toàn cầu.

xanhh-17275222949811229223216

Victoria School với cơ sở vật chất hiện đại, kết hợp phương pháp giáo dục từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNICEF sẽ tạo điều kiện cho các em nữ sáng tạo và giải quyết các vấn đề qua dự án STEAM.

Với lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi STEAM For Girls 2024 được kỳ vọng sẽ là bước đệm quan trọng cho sự phát triển lâu dài của giáo dục STEAM cho nữ sinh tại Việt Nam. UNICEF, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, và Victoria School cho biết tiếp tục đồng hành để mở rộng quy mô trong các kỳ thi tiếp theo, tạo ra một nền tảng giáo dục vững chắc cho các thế hệ nữ sinh tương lai.